Hà Nội: thị trường căn hộ đang lộ diện nguồn cung vô cùng lớn

Chung cư nội đô đang có xu hướng tăng giá nhẹ, cùng với đó là hàng loạt các dự án được công bố ra thị trường tạo nên cuộc đua ngày càng khốc liệt trên thị trường địa ốc.

Lộ diện nguồn cung “khủng”

Đón sóng tăng giá của chung cư, hàng loạt dự án mới đang ồ ạt đổ bộ thị trường. Trong đó có sự tham gia của nhiều nhân tố mới. Trong khi Vingroup xác định “át chủ bài 2015” là giai đoạn 2 của dự án Times City với 7 tòa tháp chung cư cao cấp sẽ sớm được bán ra thị trường, thì cuộc cạnh tranh ở phía Tây lại là những đại gia địa ốc mới nổi.

Điểm khác biệt mà theo giới địa ốc nhận xét so với giai đoạn 1 của Times City để có thể hút được người mua đó là chủ đầu tư nhắm đến yếu tố “xanh” cho khu đô thị. Có tới hơn 50.000m2 phủ xanh tại các hạng mục công cộng, chiếm đến 78% tổng diện tích Times City giai đoạn 2.

Bên cạnh 7 tòa tháp chung cư cao cấp ở Times City giai đoạn 2 sẽ cung cấp hàng nghìn căn hộ ra thị trường thì địa ốc Hà Nội cũng đang đối diện với một nguồn cung lớn đến từ nhiều dự án khác. Theo ghi nhận sơ bộ của chúng tôi về những dự án này đang mở bán hoặc có kế hoạch mở bán thời gian tới số lượng nguồn cung có thể lên tới 13.000 căn.

Phần lớn các dự án chung cư này đều nằm ở khu vực phía Tây thuộc các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm,…Đơn cử như Goldmark City (Bắc Từ Tiêm) khoảng 5000 căn, Sun Square (Lê Đức Thọ, Mỹ Đình) khoảng trên 400 căn, Tràng An Complex khoảng 800 căn, The Centre Tower khoảng 640 căn, Five Star Garden (Thanh Xuân) khoảng 1200 căn, Home City Trung Kính sau một thời gian mở bán số lượng căn hộ còn lại khoảng gần 600 căn,…

Đây là những nguồn cung sơ cấp được các chủ đầu tư công bố từ các dự án, chưa kể một nguồn cung trôi nổi trên thị trường thứ cấp. Theo ghi nhận của Công ty Savills, nguồn cung thứ cấp tại thị trường Hà Nội quý 4 năm 2014 tăng lên 5%, tổng nguồn cung căn hộ tại Hà Nội gồm khoảng 104.300 căn từ 182 dự án đã bán hết và 65 dự án đang mở bán. Từ nay đến cuối năm 2016, có khoảng 14,200 căn hộ từ 25 dự án sẽ được mở bán.

Theo bà Đỗ Thu Hằng – Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội, thị trường căn hộ để bán đang trên đà phục hồi. Số lượng mở bán mới tiếp tục xu hướng tăng kể từ Q1/2014 trong khi lượng tồn kho giảm dần. Số lượng căn bán được trong hai quý gần đây đang ở mức cao nhất kể từ Q2/2011. Một số ý kiến cho rằng năm 2015 thị trường sẽ tiếp tục phục hồi, thị trường cũng sẽ chứng kiến một đối tượng mới tham gia vào khi Luật nhà ở sửa đổi có hiệu lực.

632-lodiennguongcung

Ảnh minh họa.

Chung cư nội đô tăng giá

Mới đây Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố chỉ số giá chung cư ở 12 quận được khảo sát. Qua đó cho thấy phần lớn chung cư từ bình dân đến cao cấp đều tăng giá nhẹ.

Ở phân khúc chung cư cao cấp, giá tăng tốt nhất thuộc về các dự án thuộc quận Cầu Giấy khoảng 5%, tiếp đó là khu vực quận Thanh Xuân khoảng 2%. Đây cũng là 2 quận ghi nhận mức diễn biến tăng giá chung cư tốt nhất kể cả phân khúc trung cấp đến cao cấp.

Một số quận khác cũng ghi nhận giá chung cư tăng nhẹ như Long Biên, Hai Bà Trưng, Đống Đa, và đặc biệt là 2 quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm có mức tăng khoảng 3%

Thực tế thị trường cũng cho thấy ở nhiều dự án đang mở bán, giá có xu hướng nhích lên. Có thể kể tới như chung cư cao cấp Discovery Cầu Giấy hiện đang thi công xây dựng thân, mặt bằng giá căn hộ tăng khoảng trên 10% so với năm ngoái, tương tự chung cư D’le Pont Dor Hoàng Cầu cũng tăng giá từ khoảng 35 triệu đồng/m2 lên gần 40 triệu đồng/m2;

Ở phân khúc trung cấp như tại Helios Tower (Hai Bà Trưng), Diamond Blue (Thanh Xuân), CT2B Nghĩa Đô (Cầu Giấy),…mặt bằng giá căn hộ cũng đã nhích lên nhẹ so với năm ngoái từ 5% đến 10%.

Căn hộ Him lam – Theo Infonet

Đấu giá đất Hà Nội năm 2015: thu dự kiến 2.540 tỷ đồng

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2015 trên địa bàn thành phố.

Đối với những dự án chuyển tiếp từ những năm trước, đã đấu giá trong năm 2014 nhưng còn quỹ đất, thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện đấu giá trong năm 2015. Riêng việc đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu đô thị Cầu Giấy, thành phố yêu cầu quận Cầu Giấy kiểm tra toàn bộ quỹ đất còn lại, đề xuất phương án quản lý, sử dụng, báo cáo thành phố trước ngày 31-3-2015. Phần đất thuộc đối tượng tổ chức bán đấu giá theo quy hoạch được duyệt, quận Cầu Giấy phải có phương án, báo cáo thành phố trước ngày 30-6-2015. Đối với khu đất xen kẹt, nhỏ lẻ, UBND cấp huyện chủ động lập kế hoạch, trình HĐND thông qua và tổ chức đấu giá trong năm 2015

Theo kế hoạch, dự kiến có 50 dự án đấu giá, với tổng diện tích đất nghiên cứu là 301,93ha. Trong đó, phần diện tích đã quy hoạch để đấu giá quyền sử dụng đất là 101ha, diện tích đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất là 54,8ha… Ngoài ra, còn 16 điểm nhà chuyên dùng cũng được đưa ra đấu giá. Ước tính tổng số tiền thu được khoảng 2.540 tỷ đồng, trong đó phần đấu giá đất 2.500 tỷ đồng, đấu giá nhà chuyên dùng 40 tỷ đồng.
C5B-thutientudaugia

Hà Nội dự kiến sẽ thu 2.540 tỷ đồng từ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất

Để hoàn thành kế hoạch trên, UBND TP giao Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất, dự án được TP giao, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý đất đai, đấu giá; chịu trách nhiệm trước UBND TP về kết quả thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất thuộc quyền quản lý của mình…

Bên cạnh đó, hàng quý, các quận, huyện, thị xã báo cáo tiến độ thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất cũng như kinh phí đã giải ngân từ Quỹ Phát triển đất thành phố hoặc nguồn vốn ngân sách ứng trước để thực hiện chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất đấu giá…

DiaOcOnline.vn – Theo Đầu tư

Hà Nội: Thông xe thử nghiệm tuyến đường đắt kỷ lục

Dự án đường Trần Phú kéo dài (quận Ba Đình, Hà Nội) cuối cùng cũng hoàn thành sau 20 năm “treo”, công trình này có tổng chi phí 350 tỷ đồng cho 450m đường.

Trước 2 ngày thông xe chính thức, ngày 12/2, dự án đường Trần Phú mở rộng nằm trên địa bàn phường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) đã hoàn thiện về kỹ thuật.

Theo đại diện Ban quản lý dự án giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), chiều dài của đường Trần Phú mở rộng là 450m bắt đầu từ ngã tư Trần Phú – Lê Trực và kết thúc tại nút giao Kim Mã – Sơn Tây (quận Ba Đình, Hà Nội), tổng kinh phí dự án 350 tỷ đồng (bao gồm giải phóng mặt bằng)

UBND TP. Hà Nội quy hoạch dự án từ năm 1992 nhưng tới năm 2011, dự án mới được lập và bắt đầu tiến hành thi công vào tháng 7/2014. Thiết kế cho thấy, khi đưa vào khai thác, đường rộng 12m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m. Công trình này hoàn thành sẽ giảm tải, điều tiết phương tiện tham gia giao thông từ hồ Hoàn Kiếm (khu phố cổ) dọc tuyến Tràng Thi – Điện Biên Phủ qua Ông Ích Khiêm, Sơn Tây về tới Kim Mã – Cầu Giấy và mở rộng các hướng lưu thông theo chiều ngược lại.

Hôm qua, đường đã kẹt cứng phương tiện giao thông trong ngày đầu sử dụng thử nghiệm. Một số phương tiện còn chạy ngược chiều, lấn làn đường. Hai bên đường, nhiều nhà đẹp, biệt thự mới đã hoàn tất từ trước để “đón” ngày thông xe.

Hiện ngã tư Ngọc Hà – Sơn Tây – Thanh Báo đã được mở rộng thông với Trần Phú kéo dài là phương án giảm tải các phương tiện giao thông hiệu quả, nhất là vào giờ cao điểm hướng từ phố cổ về đến phía Tây thành phố.

20150213093546-ddbd

TP. Hà Nội tiến hành thông xe thử nghiệm tuyến Trần Phú kéo dài

Trong ngày 12/2, hệ thống cột đèn đường, biển báo giao thông đã được hoàn thiện. Ban quản lý dự án cắm biển báo cấm quay đầu xe ở hướng đi Trần Phú – Kim Mã, đoạn nút giao Thanh Bảo – Ngọc Hà. Tuy nhiên, biển được phép rẽ trái lại dựng ở đầu dải phân cách khiến các phương tiện tham gia giao thông vẫn còn lúng túng.

Mặc dù mới thông xe thử nghiệm nhưng người dân Thủ đô đã bắt đầu quen đi lại với lưu lượng phương tiện lớn. Theo anh Đức Cương, một tài xế, đường thông giúp rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm thời gian từ Điện Biên Phủ về tới Kim Mã, nhất là vào giờ cao điểm.

Theo Ban quản lý dự án, thành ủy Hà Nội yêu cầu hai quận Cầu Giấy, Ba Đình không được để xảy ra tình trạng nhà  siêu méo, siêu mỏng sau khi hoàn tất đường. Phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất trước ngày thông xe đối với một số hạng mục phụ như cây xanh đô thị, vỉa hè.

Trú tại ngôi nhà số 10-12 phố Thanh Bảo, phường Kim Mã, ông Lai Thìn cho biết, ngôi nhà của ông rộng 180m2 được xây dựng vào những năm 30 thế kỷ trước. Hiện tại, nhà ông còn 130m sau khi giải phóng mặt bằng. Ông chưa kịp sơn nhà cửa, sửa sang đón Tết vì dự án hoàn thành vào những ngày cuối năm.

(Theo Zing)

Đơn vị nào sẽ nhận đất” Vàng” sau khi di dời tại Hà Nội

Một số đơn vị sản xuất, bệnh viện, trường học sẽ được dời ra khỏi nội đô TP. Hà Nội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Sự “ra đi” này để lại những mảnh đất có vị trí đắc địa, phần đất này sẽ thuộc về ai, sử dụng để làm gì đang khiến nhiều người thắc mắc.

Ai tiếp quản “đất vàng”?

Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 64/2003/QĐ – TTg ra ngày 22/4/2003 về chủ trương di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khỏi nội đô Hà Nội. Đến năm 2012, nhiều cơ sở, đơn vị gây ô nhiễm, quá tải đã được yêu cầu phải được di dời ra khỏi nội đô Hà Nội. Nhưng cho đến nay, trong danh sách đó mới chỉ có một phần thực hiện đúng lộ trình.

Theo đó, các Công ty: Công ty Dệt kim Đông Xuân (số 67 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng); Công ty Rượu Hà Nội (số 94 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) phải di dời khỏi nội đô Hà Nội trước năm 2012; Công ty Bia Hà Nội (số 70A, Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình); Công ty Bia Hà Nội (số 70A, Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình); Công ty Dệt 8/3 (số 460 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) phải nâng cấp hệ thống xử lý nước thải; Công ty Dệt 8/3 (số 460 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); Công ty Dệt Hà Nội I (phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng) và một loạt các bệnh viện lớn phải cải tạo, nâng cấp theo Quyết định 64/2003/QĐ – TTg của Chính phủ ra ngày 22/4/2003.

Trên thực tế, do nhiều đơn vị không thống nhất với phương án xử lý quỹ đất sau khi di dời nên việc thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ – TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều khó khăn.

Trong số các công ty, đơn vị nói trên, Công ty Dệt kim Đông Xuân và Công ty Rượu Hà Nội sau nhiều năm vẫn chưa ngã ngũ bởi những vướng mắc trong phương án xử lý hậu di dời.

Tuy nhiên cũng có những đơn vị đã chủ động thực hiện di dời trong thời gian này đó là Công ty Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Bánh kẹo Tràng An. Cả 2 khu đất của họ sau khi di dời đều được sử dụng làm dự án nhà ở và mọi việc diễn ra thuận lợi.

Trong phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng ngày 23/1/2015, Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội – đơn vị sở hữu Nhà máy Dệt Minh Khai vừa bán hết 1,6 triệu cổ phần với mức giá hơn 70.000 đồng/cổ phần. Theo giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa, giá trị của Dệt Minh Khai tại thời điểm 31/12/2013 là hơn 59 tỷ đồng nên kết quả đấu giá cổ phiếu đó không bất ngờ.

Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội đang sở hữu khu đất rộng 3,8 ha của Nhà máy Dệt Minh Khai tại số 423 đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng). Trong khi đó, nhà máy này lại nằm trong diện phải di dời khỏi khu vực nội đô lộ trình từ nay đến năm 2017. Câu chuyện của Dệt Kim Đông Xuân và Bánh kẹo Tràng An làm nhớ đến trường hợp của Công ty Dệt 19/5. Công ty này cũng được 3 nhà đầu tư cá nhân mua hết toàn bộ số cổ phần với mức giá gấp 7 lần so với mức giá khởi điểm. Danh tính của cả 3 nhà đầu tư này, tuy vậy, vẫn là thông tin… còn nằm trong bóng tối.

Chưa lên danh sách cụ thể

Ông Trịnh Đình Dũng ,Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm cũng như một số các cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan, đơn vị… sẽ được di dời ra khỏi nội đô TP. Hà Nội. Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời sẽ là cơ sở để UBND TP. Hà Nội và các bộ, ngành xác định tiêu chí cho các đơn vị phải di dời.

Ngoài ra, lộ trình và biện pháp di dời còn tùy thuộc vào khả năng hỗ trợ tài chính của ngân sách Trung ương và Thành phố Hà Nội. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có danh sách chính thức những đơn vị sẽ phải di dời.

dat-vangKhu đất của Nhà máy Bánh kẹo Tràng An đã trở thành Dự án nhà ở – văn phòng cho thuê

Quyết định 130/QĐ – TTg ra ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ, việc di dời này có phạm vi áp dụng đối với các cơ sở tại tất cả 11 quận nội thành Hà Nội. Các cơ quan phải di dời bao gồm: các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm, lây nhiễm cao hoặc sử dụng đã quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội nhưng không phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, các đơn vị gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến giao thông, gây ô nhiễm đối với môi trường…

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: Đối với quỹ đất sau di dời, các chủ cũ sẽ được ưu tiên để phát triển xây dựng các công trình công cộng, trồng cây xanh, làm các bãi đỗ xe, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; phải đảm bảo không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị phải đảm bảo cân bằng, nghiêm cấm việc sử dụng đất để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.

(Theo Báo Đầu tư)